Huấn luyện viên cá nhân -Có hai yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao là gen di truyền và hoàn cảnh sống (chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể dục thể thao). Muốn phát triển chiều cao, cơ thể phải khỏe mạnh và phải tạo ra cho mình có hoàn cảnh sống thật tốt - tức là chú ý vấn đề dinh dưỡng hợp lý và tích cực rèn luyện thể dục thể thao để cho tiềm năng chiều cao được phát huy đầy đủ.
Chế độ ăn uống hợp lý
Dinh dưỡng hợp lý |
Dinh dưỡng giữ vai trò rất quan trọng, trong đó 3 giai đoạn chủ yếu góp phần quyết định chiều cao của cơ thể là giai đoạn bào thai (nhất là 6 tháng cuối của thai kỳ, lúc còn trong bụng mẹ), giai đoạn đầu cuộc đời (5 năm đầu tiên) và đặc biệt là giai đoạn khi bước vào lứa tuổi dậy thì.
Bởi vậy, để con có tiềm năng phát triển tốt chiều cao, khi mang thai người mẹ cần ăn uống đầy đủ chất, đa dạng các loại thực phẩm, không kiêng khem, để bảo đảm tăng cân đủ 10-12kg trong 9 tháng. Trẻ sinh ra nếu đủ cân (3kg trở lên), dài hơn 50cm, là một khởi đầu tốt để phát triển sau này. Với thanh niên sau tuổi 21-22 trở đi, chiều cao tăng rất ít.
Trong giai đoạn cơ thể đang lớn, muốn phát triển chiều cao tốt, không nên ăn uống kiêng cữ, chế độ ăn phong phú, ăn được nhiều thứ để cơ thể được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng. Cần đặc biệt lưu ý ăn đủ lượng protein và canxi cần cho việc phát triển của xương.
Những thực phẩm giàu protein là thịt nạc, cá, trứng, sữa, các hạt họ đậu nhất là đậu nành... Thực phẩm giàu canxi là sữa, cá hộp nguyên xương, cá nhỏ kho nhừ ăn cả xương, tôm, cua, ốc, rau xanh... Đặc biệt là sữa có nhiều canxi rất dễ hấp thụ lại nhiều protein, nên duy trì lượng sữa uống đều đặn hằng ngày.
Người Nhật, hơn nửa thế kỷ trước đây cũng thuộc loại thấp lùn, nhưng ngày nay đời sống kinh tế cao ăn uống đầy đủ, người Nhật đã cao lên nhiều. Theo điều tra năm 1999, chiều cao trung bình của thanh niên Nhật (ở lứa tuổi 18) đã là 171cm với nam, 159cm với nữ.
Ở nước ta, kinh tế cũng đã bước đầu phát triển, chiều cao thanh, thiếu niên cũng đang được cải thiện, vào đầu năm học 2004-2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo: Chiều cao học sinh các trường THPT đã tăng khá, so với 10 năm trước, nữ cao thêm 3cm, nam 4cm (tính trung bình).
Muốn tăng nhanh chiều cao cơ thể, cần phải tạo thành một nếp sống ham tập thể thao ngay từ tuổi thiếu niên. Sau 22 tuổi tập cũng tốt, nhưng chỉ khỏe mạnh cường tráng, chứ không thể phát triển thêm chiều cao.
Một gương sáng tập TDTT nâng được chiều cao lên rất nhiều là Ruxtam Akhơmetôp (ở Liên Xô trước đây). Anh ta bị gen di truyền ngược đãi: bố mẹ và những người thân đều thấp dưới mức trung bình; bản thân Ruxtam còn thấp hơn, đến 14 tuổi thì không lớn được nữa.
Nhưng cậu bé Ruxtam đã quyết tâm rèn luyện để tăng chiều cao, và may mắn được một huấn luyện viên TDTT có tên tuổi giúp đỡ. Cách tập của Ruxtam có thể gọi là khổ luyện với thời gian và cường độ lớn, chủ yếu là các động tác nhằm vươn dài người: nhảy cao, nhảy xa, đánh đu...
Nhưng cậu bé Ruxtam đã quyết tâm rèn luyện để tăng chiều cao, và may mắn được một huấn luyện viên TDTT có tên tuổi giúp đỡ. Cách tập của Ruxtam có thể gọi là khổ luyện với thời gian và cường độ lớn, chủ yếu là các động tác nhằm vươn dài người: nhảy cao, nhảy xa, đánh đu...
Bằng cách kiên trì và quyết tâm, có sự hướng dẫn chu đáo và thích hợp, kết quả cuối cùng là Ruxtam cao lên rất nhiều (187cm) và trở thành vận động viên xuất sắc, quán quân đại hội TDTT toàn Liên Xô, là một trong những người nhảy cao nhất thế giới thời đó.
Nhiều nhà y học đã nghiên cứu và cho biết, tập thể thao có phương pháp có ý nghĩa lớn, nó làm tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng trọng khối xương khi trưởng thành. Khi luyện tập, tuần hoàn máu được tốt hơn, trao đổi chất được tăng cường và hormon tăng trưởng (GH) tiết ra nhiều hơn.
Người ta xác định thời gian luyện tập với cường độ cao, kéo dài 1,5-2 giờ/ngày có thể làm tăng GH lên 3 lần. Ở những người tập TDTT ban ngày, về đêm lại thấy tăng GH lần nữa. Kết quả là cơ, tuần hoàn, dây chằng, xương khớp được kích thích làm cho toàn bộ cơ thể phát triển trong đó có chiều cao.
Tuy nhiên, nếu chỉ tập TDTT nhẹ nhàng trong một thời gian ngắn (như tập thể dục buổi sáng, đi bách bộ, tắm), cũng như khi tập quá lâu, quá nặng nhọc (thí dụ chạy ma - ra - tông, cử tạ...) thì không thúc đẩy phát triển chiều cao.
Mặt khác, cũng cần coi trọng giấc ngủ, vì quá trình phát triển chiều dài xương trẻ em diễn ra vào ban đêm. Gần đây, các nhà khoa học Mỹ (Trường đại học y Wisconsin ở Madison) nghiên cứu đặt một thiết bị cảm biến vào xương chân những con cừu non để theo dõi quá trình phát triển dài xương, đã nhận thấy 90% sự phát triển xương diễn ra trong lúc đang ngủ, hoặc đang nghỉ ngơi.
Tại sàn não chúng ta có một tuyến nội tiết gọi là tuyến yên, nó như một phần lồi lên bên dưới của đại não, kích thước tuy rất nhỏ (chỉ nặng 0,5g) nhưng cũng rất đặc biệt với nhiều chức năng quan trọng. Đó là nơi sản sinh ra hormon tăng trưởng gọi tắt là GH (Growth Hormon). Những người thấp lùn thường là do thùy trước tuyến yên sản xuất GH cung không đủ cầu.
Người ta dùng phương pháp phóng xạ miễn dịch đã phát hiện được trong máu những người thấp bị thiếu hụt nhiều GH so với người thường. Như vậy nếu người ta thu được lượng GH đầy đủ, đem tiêm cho người thấp lùn còn đang ở tuổi ấu thơ thì sẽ làm cho cao lên được.
Hiện nay, nhờ công nghệ sinh học và kỹ thuật tái tổ hợp ADN người ta có thể sản xuất GH với số lượng lớn, với nhiều tên biệt dược của các hãng dược phẩm ở một số nước. Sử dụng hormon tăng trưởng là liệu pháp hiệu quả nhất hiện nay cho những trẻ em có chiều cao khiêm tốn vì thiếu hụt hormon này. Thông thường việc điều trị tốt nhất là trong giai đoạn trẻ từ 3-7 tuổi (tiêm bắp 3 lần/tuần, hoặc tiêm dưới da hằng ngày trước khi đi ngủ) và cần được duy trì liều điều trị đến hết tuổi dậy thì.
Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ bị thiếu hụt GH vào khoảng từ 1/4.000 - 1/10.000. Năm 2005, tại Khoa nội tiết và di truyền Bệnh viện Nhi Trung ương, bước đầu cũng đã quản lý điều trị cho gần 100 trường hợp nội, ngoại trú.
Phẫu thuật kéo dài chân
Phẫu thuật kéo dài chân |
Sau tuổi 22, những người bị thấp lùn ăn uống tốt và tập TDTT đều không phát triển được chiều cao nữa. Tiêm GH cũng không cao được. Nếu tha thiết muốn tăng chiều cao chỉ còn hy vọng cuối cùng là phẫu thuật kéo dài xương chân. Đây là phương pháp do giáo sư, viện sĩ Ilizarôp, người Nga, sáng tạo. Ông đề xướng phương pháp này từ những năm 50 của thế kỷ 20, và bản thân ông đã thực hiện nâng chiều cao cho rất nhiều người.
Phương pháp Ilizarôp đã được áp dụng ở nhiều nước kể cả Mỹ, mà nổi tiếng nhất là bác sĩ Perry đã lập kỷ lục kéo dài xương chi được 33cm cho một cô gái Mỹ có tên là Jullian Miller. Người Việt Nam đầu tiên áp dụng thành công phương pháp Ilizarôp là bác sĩ Lê Đức Tố – đã kéo dài xương chi được đến 20cm.
Nguyên lý của phương pháp Ilizarôp có thể tóm tắt: phải phẫu thuật cắt rời một chỗ trên đoạn xương chi cần kéo dài, xuyên các đinh kim loại hoặc đinh ốc qua cả hai đoạn xương rời ra, rồi gắn vào một loại khung đặc biệt ở bên ngoài. Đến ngày thứ 6 bắt đầu chỉnh vít trên khung cho hai đoạn xương rời cách nhau 1mm. Những ngày sau nếu chụp Xquang sẽ thấy giữa chúng đã có can lờ mờ, đó là hai đầu xương cắt rời đang tiến lại với nhau.
Quá trình hàn gắn vết gãy sẽ hình thành ra canxi, tủy xương và các tổ chức tế bào cần thiết khác để nối liền hai đầu xương gãy lại. Đợi khi xương mới liền, lại điều chỉnh vít trên khung giãn ra chút ít (khoảng 1mm), bắt buộc các tổ chức xương phải tiếp tục phát triển lan ra để nối liền với nhau... Cứ như thế cho tới khi đạt được chiều dài dự tính, bác sĩ sẽ tháo bỏ khung.
Trung bình để kéo dài xương chi thêm 5-7cm, bệnh nhân phải mang khung cố định 10-12 tháng. Nhưng thời gian nằm tại bệnh viện chỉ khoảng một tuần, sau đó về nhà, bệnh nhân tự theo dõi điều chỉnh khung theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tuy nhiên, phương pháp kéo dài xương chân có chi phí tốn kém, mất nhiều thời gian, tỉ lệ biến chứng sau phẫu thuật là rất cao nên không áp dụng rộng rãi, không khuyến khích mọi người dùng phương pháp này.
HLV Lê Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét