Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Giảm cân cho trẻ - Huấn luyện viên cá nhân

Trẻ béo phì


Trước đến nay, chúng ta thường chỉ quan tâm và lo lắng khi bé bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên có một điều chúng ta không biết đó là: việc chữa chứng suy dinh dưỡng dễ hơn nhiều so với chữa chứng béo phì ở trẻ. Trong đó, ngoài các nguyên nhân do di truyền thì phần lớn trẻ bị béo phì là do chế độ ăn uống không hợp lý.

Trước hết, ta thấy một thực tế rằng việc để trẻ mắc chứng béo phì có một phần không nhỏ là do lỗi của người mẹ. Chúng ta thường nghĩ rằng bé béo là những bé khoẻ mạnh. 
Cho trẻ ăn

Vì vậy, nếu trẻ không ăn được chúng ta thường ép chúng ăn, còn nếu chúng ăn được thì các bà mẹ lại cố cho chúng ăn càng nhiều càng tốt. Chính vì quan niệm sai lầm này mà tỷ lệ trẻ bị béo phì  ngày càng tăng cao.  

Không thể phủ nhận rằng trẻ rất cần các loại thực phẩm giầu dinh dưỡng như tinh bột, rau, thịt cá, xương, tôm cua, sữa,… để phát triển chiều cao và trí thông minh. 

Tuy nhiên, chỉ cần mỗi ngày cơ thể trẻ dư khoảng 60-70kcal và tình trạng này kéo dài trong vài tháng thì trẻ sẽ bị béo phì ngay.

Ăn bánh ngọt

Bạn có thể dễ hình dung hơn nếu quy số calo dư thừa này thành 6 chiếc kẹo, một chai nước ngọt nhỏ, một muỗng sữa đặc có đường hay một chiếc bánh nhỏ. Những thứ mà chúng ta thường cho rằng chẳng thấm tháp gì.

 Không những thế, với một lịch học dầy đặc như hiện nay trẻ không có điều kiện để dành cho những vận động thể thao, còn bố mẹ thì lại cho rằng trẻ học tập vất vả cần được bồi dưỡng thật nhiều. 

Tuy nhiên, ngoài yếu tố hình thức thì những bà mẹ lại không biết rằng hệ lụy của chứng béo phì  không hề nhỏ chút nào. Trẻ bị béo phì thường chậm chạp, vụng về và hay bị bạn bè chế giễu, và theo thống kê thì khoảng 80% trẻ béo phì sẽ không thoát khỏi căn bệnh này khi trưởng thành. 

Không những thế béo phì còn gây ra các bệnh nguy hiểm như viêm khớp, tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn lipid… 

Ở trẻ, tuổi dễ bị mập nhất là dưới một tuổi và sau dậy thì, với hai giai đoạn nhạy cảm là: trong 2 năm đầu và từ  4 đến 11 tuổi. 

Nguyên tắc chung trong điều trị mập phì ở trẻ  

Cần tìm hiểu sở thích về thực phẩm của trẻ để thực hiện chế độ ăn cho phù hợp, tránh tình trạng bắt trẻ ăn toàn những thứ chúng không thích hay ngược lại.  

Thực phẩm cho trẻ mập vẫn cần đủ năng lượng, chất đạm, chất béo, vitamin, muối khoáng theo nhu cầu để không làm kìm hãm sự tăng trưởng của trẻ. Tuyệt đối không nên cho trẻ ăn chay.  

Nên dùng sữa gầy cho trẻ, hạn chế dùng sữa nguyên kem. Sữa đặc có đường cần được thay bằng sữa tươi hoặc sữa bột. 

Không để trẻ quá đói hoặc bỏ bữa, vì như vậy, trẻ sẽ ăn bù vào bữa sau, rất dễ gây tích lũy mỡ. 

Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau cải, trái cây tươi, thức ăn giàu chất xơ như khoai, bắp, mì sợi thay cho các đồ quay, rán, chiên xào. 

Tránh các loại nước ngọt có ga, nên uống nước ép trái cây, không nên uống các loại nước ngọt có pha hương vị trái cây. 

Không khen thưởng trẻ bằng các loại thức ăn ngọt và béo. Tuyệt đối tránh tạo nên tâm lý lệch lạc ở trẻ “Ngoan thì mẹ cho ăn bánh, sô-cô-la, đùi gà chiên …” 

Tránh cho trẻ nhai kẹo cao su vì nó làm cho chúng lúc nào cũng muốn nhai. 

Không tích trữ những đồ ăn giàu năng lượng trong nhà, chỉ để các loại trái cây có nhiều nước và ít ngọt như mận, bưởi, táo, dưa leo… 

Tăng cường cho trẻ vận động. Ngoại trừ việc cho trẻ đi tập thể thao, bạn còn có thể khuyến khích trẻ tự thu dọn đồ, leo lên leo xuống cầu thang, xách nước tưới cây… để tiêu hao nhiều năng lượng hơn. Hạn chế cho chúng xem tivi, video, chơi điện tử hay ngồi một chỗ quá lâu.

HLV Lê Hoàng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét